Top 10 sự kiện Việt Nam nổi bật năm 2024

1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần lúc 13h38 ngày 19/7/2024, hưởng thọ 80 tuổi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944 tại xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội). Tham gia công tác từ năm 1967; Uỷ viên Trung ương Đảng các khóa 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13; Uỷ viên Bộ Chính trị các khóa 8, 9, 10, 11, 12, 13; Tham gia Thương trực Bộ Chính trị khóa 8; Chủ tịch Quốc hội khóa 11, 12; Tổng Bí thư các khóa 11, 12, 13; Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 – 2021.

 

2. Kiện toàn nhân sự Lãnh đạo chủ chốt

Năm 2024, ba chức danh lãnh đạo chủ chốt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội được bầu mới nhằm đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước được liên tục, toàn diện, hiệu lực, hiệu quả.

 

3. Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua và trong 70 năm qua trên đất liền. Bão đổ bộ vào Quảng Ninh, sau đó gây mưa lũ toàn miền Bắc khiến 320 người chết, 25 người mất tích; thiệt hại kinh tế hơn 85.700 tỷ đồng, bằng 0,62% GDP năm 2023 và làm giảm khoảng 0,24% GDP năm 2024.

 

4. Tăng trưởng GDP bứt tốc, xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới

Với sự nổ lực của các cấp, các ngành, tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam gần như chắc chắn đạt mức cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 – 6,5%) và đạt mục tiêu kỳ vọng 7%. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam nằm trong top những quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.

 

5. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Từ khóa này được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong các bài viết, bài phát biểu của mình và đã trở thành định hướng lớn được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội 14 của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cụ thể gồm: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; chống lãng phí; cán bộ và công tác cán bộ; định hướng chiến lược phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình.

 

6. Bỏ 2G, thương mại hóa 5G

Một trong những sự kiện công nghệ nổi bật nhất trong năm qua là việc dừng phục vụ thuê bao sử dụng điện thoại 2G từ 0 giờ ngày 16.10. Song song với việc tắt sóng 2G, Việt Nam cũng đã chính thức thương mại hóa 5G. Việc đấu giá băng tần được phê duyệt từ đầu năm, ba nhà mạng lớn là Viettel, VinnaPhone và MobiPhone đã chi hơn 12.000 tỉ đồng để sở hữu các tần số. 6 tháng sau khi có giấy phép kinh doanh dịch vụ 5G, các nhà mạng đã bắt đầu kế hoạch thương mại hóa, cung cấp các dịch vụ dùng thử miễn phí và gói cước 5G cho người dùng.

Việc thương mại hóa 5G không chỉ đặt nền móng quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia mà còn rút ngắn khoảng cách viễn thông của Việt Nam với thế giới, tạo tiền đề để tự chủ công nghệ, sẵn sàng song hành cùng quốc tế trong những xu hướng công nghệ mới.

 

7. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy đã được Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đặt ra từ năm 2017. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này chính thức khởi động vào những tháng cuối năm 2024 và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 1 năm 2025.

 

8. Thông qua chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Chiều 30/11, với 443/454 (92,48%) đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam.

Dự án được triển khai với mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc – Nam.

Tuyến đường sắt giúp bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông – Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 và các nghị quyết của Đảng.

 

9. Tiếp tục công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng một cách quyết liệt

Số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật trong năm 2024, kể cả nguyên lãnh đạo chủ chốt, càng khẳng định công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của đảng ta “Không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

 

10. Thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với 458/461 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo Nghị quyết, thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

 

Nguồn: Vietnamnet.vn

Bài viết liên quan